Cứ đến những ngày từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, người ta lại chẳng thể thôi than phiền với nhau về không khí và tiết trời nồm ẩm “nóng không ra nóng mà lạnh cũng chẳng ra lạnh”.
Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn cả đó chính là muỗi – loài côn trùng nhỏ bé nhưng lại gây ra biết bao phiền toái và tác hại tới đời sống con người.
Người ta có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Với cuộc chiến dường như không có hồi kết với loài muỗi này, chúng tôi tin rằng việc tự trang bị cho mình những kiến thức sẽ giúp Quý bạn đọc có thể tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người thân.
Qua Cẩm nang đặc biệt này, bạn sẽ biết “tất tần tật” về loài muỗi, bao gồm:
- Đặc điểm sinh học của muỗi.
- 3 loài muỗi phổ biến nhất tại Việt Nam mà bạn cần phải biết
- Tác hại của muỗi đối với sức khỏe
- Hỏi nhanh – Đáp gọn về muỗi
- Cách phòng chống và điều trị khi bị muỗi đốt
Giờ thì hãy kéo chuột ngay xuống phía dưới để đón đọc những điều thú vị đang đợi bạn phía trước!
Tóm Tắt
Một số Đặc điểm chung của Loài muỗi
Đặc điểm hình dáng
Muỗi là loài côn trùng nhỏ, có hai đôi cánh, thân mình mỏng với các chân dài, thuộc lớp côn trùng họ Culicidae.
Tùy theo mỗi loài mà muỗi có các kích thước khác nhau, tuy nhiên, kích cỡ trung bình của muỗi thường không quá vài mm.
Với trọng lượng từ 2 đến 2.5 mg, muỗi có thể đạt được tốc độ bay khoảng 1.5 đến 2.5km/h.
Muỗi xuất hiện khi nào?
Con muỗi đầu tiên được biết đến với hình dáng cũng như cấu tạo khá giống với loài muỗi thường thấy ngày nay được tìm thấy trong một hóa thạch hổ phách 79 triệu năm tuổi ở Canada.
Cho đến hiện nay, đã có đến 3500 loài được phát hiện.
Môi trường sinh sống của muỗi
Môi trường ẩm ướt là điều kiện sinh sôi và phát triển thuận lợi của loài muỗi. Chính vì vậy, người ta có thể thấy rất nhiều muỗi ở những nơi như đầm lầy, ao hồ, những khu vực có ao tù nước đọng.
Muỗi đẻ trứng xuống nước, từ trứng nở ra những ấu trùng chính là bọ gậy hay còn gọi là loăng quăng. Sau một thời gian chúng sống trong nước thì dần từ nhộng biến thành muỗi và bay lên khỏi mặt nước.
Loài muỗi ăn gì?
Trong khi muỗi đực hút nhựa cây và hoa quả để sống thì máu người và động vật lại là nguồn “thức ăn” chính của muỗi cái để có đủ nguồn protein sản sinh ra trứng.
Mặc dù lượng máu muỗi đốt con người hay động vật không đáng kể nhưng vết cắn của muỗi trên da gây cảm giác ngứa và tấy khó chịu.
Nguy hiểm hơn, nước bọt tiết ra từ con muỗi khi đốt, chích chính là mầm mống truyền bệnh từ động vật sang con người, làm lây lan dịch bệnh có thể gây tử vong như: sốt rét, sốt xuất huyết…nguy hiểm cho con người.
Vòng đời của muỗi
Vòng đời của muỗi gồm 4 giai đoạn: Trứng muỗi => Bọ gậy (ấu trùng) => Loăng quăng (nhộng) => Muỗi trưởng thành.
Giai đoạn đầu tiên bắt đầu khi muỗi cái đẻ trứng ở trong nước.
Khoảng 2-3 ngày sau, trứng muỗi nở thành những ấu trùng hay chính là bọ gậy. Thời gian đầu, bọ gậy dần dần phát triển dựa vào thức ăn từ tảo, vi khuẩn, vi sinh vật dưới nước.
3 Loài muỗi phổ biến ở Việt Nam
Như những gì chúng ta vừa tìm hiểu về muỗi, có rất nhiều loài muỗi khác nhau với những đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, không phải loài nào cũng phát triển phổ biến và đa dạng.
Vậy thì, hãy cùng xem xem có những loại muỗi chủ yếu nào ở Việt Nam cũng như cách phân loại chúng nhé!
Đó là:
- Muỗi Aedes
- Muỗi Anophel
- Muỗi Culex
Muỗi Aedes (Muỗi vằn)
Muỗi Aedes hay còn có tên khác là muỗi vằn là loại muỗi ban đầu chủ yếu được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới hay cận nhiệt đới. Tuy nhiên, ngày nay, ngoại trừ Nam Cực thì người ta đều thấy loài muỗi này sinh sống ở các vùng đất khác.
Đặc điểm hình dáng
Muỗi vằn trưởng thành có hình dáng đặc trưng với phần chân trắng, vòi đen và những xúc tu có đầu trắng. Lưng giữa muỗi vằn có những vệt trắng như hình đàn lia với 2 sọc ở giữa, nổi lên trên những vệt đen. Cánh của chúng cũng có màu đen.
Trong khi đó, trứng muỗi vằn có màu đen và hình dạng như bóng bầu dục. Ấu trùng loài muỗi này nằm ở góc 45 độ so với mặt nước.
Vòng đời
Cũng như vòng đời của loài muỗi, muỗi vằn có 4 giai đoạn trong vòng đời của mình và thời gian để trứng muỗi biến thành muỗi trưởng thành là từ 6 đến 8 ngày.
Thói quen
Không giống như các loại muỗi khác, muỗi vằn lại hoạt động chủ yếu vào ban ngày. Khoảng thời gian “kiếm ăn” của muỗi vằn tập trung vào sáng sớm, khoảng 2 giờ trước khi mặt trời mọc và buổi chiều tối, vài giờ trước khi mặt trời lặn.
Bên cạnh đó, loài muỗi vằn còn ưa thích màu tối như màu đen, đỏ. Muỗi vằn có thể bay khoảng cách ngắn từ 50 đến 100m. Chúng phát triển sinh sôi ở những nơi ẩm ướt, tù đọng và chúng cũng có thể sống ở những nơi trong nhà, trường học, nơi làm việc.
Tác nhân gây bệnh
Có thể nói, muỗi vằn vô cùng nguy hiểm bởi nó đã gây ra nhiều dịch bệnh gây chết người như: sốt xuất huyết, sốt vàng da và đặc biệt là vi rút Zika gần đây đã gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Muỗi Anophel
Một loài muỗi có tính chất nguy hiểm không kém và còn tồn tại với số lượng lớn đó chính là muỗi Anophel.
Đặc điểm hình dáng
Điểm khác biệt giữa muỗi Anophel và các loại muỗi khác đó là muỗi Anophel có phần chân dài bằng chiều dài vòi, trên cánh có những vệt đen trắng và chúng thường đậu ở góc 45 độ so với mặt nước. Trứng muỗi Anophel dài khoảng 1mm và có phao ở hai bên. Sau 2 đến 3 ngày, trứng nở thành ấu trùng nằm song song với mặt nước.
Vòng đời
Thời gian trứng nở thành một con muỗi trưởng thành mất khoảng 11 đến 13 ngày.
Thói quen
Phần lớn muỗi Anophel thường hoạt động trong khoảng thời gian tờ mờ sáng hoặc chập tối, số ít lại hoạt động về đêm. Có loại muỗi kiếm ăn trong nhà, một số lại tìm đến môi trường bên ngoài. Chúng thích sinh sống trong môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm.
Cũng như muỗi vằn, muỗi Anophel thích ở những chỗ tối, màu sắc tối. Một con muỗi Anophel cái có thể đẻ tới 50 đến 150 trứng sau khi nó hút máu xong.
Tác nhân gây bệnh
Muỗi Anophel dirus là nguyên nhân gây bệnh sốt rét vô cùng nguy hiểm. Trước đây, chúng sinh sống trong rừng và lấy máu động vật như khỉ, vượn làm thức ăn sinh sống. Những người đi rừng cũng trở thành “miếng mồi ngon” của chúng và từ đây, bệnh từ động vật đã lây sang con người.
Muỗi Culex
Culex là một chi gồm nhiều loại muỗi được coi là tác nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm tới động vật và con người.
Đặc điểm hình dáng
Một con muỗi Culex trưởng thành có chiều dài cơ thể từ 4 đến 10mm. Cấu tạo muỗi gồm đầu, ngực, bụng được phân chia rõ rệt, hai cánh trước của muỗi nằm ngang trên vùng bụng khi ở trạng thái nghỉ.
Cũng như các loài côn trùng bộ hai cánh, hai cặp cánh sau của muỗi Culex ngắn lại và thu nhỏ khi bay. Muỗi Culex có màu nâu sậm, tối.
Trứng của muỗi Culex màu nâu, dài và có hình trụ. Chúng thường nằm thẳng đứng so với mặt nước và kết thành bè gồm có 300 trứng. Bè có độ dài 3-4mm và độ rộng 2-3mm.
Vòng đời
Mất từ 6 đến 10 ngày để trứng muỗi Culex biến thái thành một con muỗi trưởng thành trong điều kiện thời tiết ấm nóng.
Thói quen
Muỗi Culex thường sinh sôi và phát triển ở những vùng nước ngọt: vũng nước, hồ bơi, bể chứa nước… Trứng muỗi Culex chỉ nở trong môi trường nước.
Loài muỗi này thường đốt người vào ban đêm và ở trong nhà cả trước và sau khi hoàn thành “bữa ăn” của mình. Tương tự như các loài muỗi trên, muỗi Culex cũng ưa thích màu tối. Chúng là loài có khả năng bay đường dài.
Tác nhân gây bệnh
Những bệnh mà muỗi Culex gây ra có thể là: bệnh sốt tây sông Nile, sốt rét gia cầm và nguy hiểm nhất là bệnh viêm não Nhật Bản.
Với những thông tin chung nhất về ba loại muỗi phổ biến ở Việt Nam, chắc hẳn các bạn đã có thể nắm được phần nào môi trường sinh sống cũng như cách thức chúng kiếm ăn như thế nào.
Một số Sự thật thú vị về Muỗi có thế bạn chưa biết
Bạn vẫn còn nhiều thắc mắc về cách chúng tiếp cận con người như thế nào đúng không? Hãy nhấp chuột và cùng giải đáp qua một số điều thú vị về con muỗi nhé!
1. Muỗi đực có đốt người (hút máu) không?
Câu trả lời là Không.
Cấu tạo vòi của muỗi đực không thể hút máu và chúng chỉ hút nhựa cây hay hoa quả.
Trong khi đó, muỗi cái cần phải hút máu người để có thể lấy protein trong máu để đẻ trứng.
2. Tại sao có người hay bị muỗi đốt?
Nhiều người tự hỏi: Tại sao mình lại hay bị muỗi đến thế?
Hóa ra lại có rất nhiều giải đáp cho câu hỏi này đấy!
Muỗi có khả năng tìm đến “con mồi” của chúng bằng cách đánh hơi khí CO2. Vì vậy, những người thở ra nhiều khí CO2 hơn sẽ dễ bị muỗi đốt hơn. Đó là những người mang thai hay những người có trọng lượng cơ thể lớn hơn.
Bên cạnh đó, nhiệt độ cơ thể cao là lý do khiến muỗi “thích” bạn hơn những người khác. Ngoài ra, cơ thể những người thường xuyên tập thể dục tiết ra nhiều chất axit lactic – một loại chất rất hấp dẫn loài muỗi.
3. Nhóm máu nào hay bị muỗi đốt?
Theo nhiều nghiên cứu, những người có nhóm máu O là những người dễ bị muỗi đốt nhiều gấp 2 lần những người có nhóm máu A và B.
4. Muỗi thích màu sắc quần áo gì?
Màu tối như màu đen, nâu, xanh thẫm có tính chất giữ nhiệt, trong khi đó muỗi lại rất dễ bị thu hút bởi nhiệt độ cao.
Chính vì vậy, mặc những bộ quần áo tối màu sẽ dễ bị muỗi đốt hơn.
Ngược lại, những màu sắc sáng có tính chất phản xạ nhiệt nên ít thu hút muỗi.
5. Tuổi thọ của muỗi là bao nhiêu?
Bạn thắc mắc “Muỗi sống được bao nhiêu lâu?”
Câu trả lời là tuổi thọ trung bình của muỗi khá ngắn. Trong khi muỗi cái có thể sống từ 42 đến 56 ngày thì muỗi đực chỉ sống được có 10 ngày.
6. Muỗi có bao nhiêu chân?
Muỗi là loài côn trùng thuộc ngành động vật không xương sống. Chúng có ba cặp chân, tức là có tổng cộng 6 cái chân.
7. Muỗi thích mùi gì?
Có những mùi hương thu hút loài muỗi hơn cả và đó là mùi mồ hôi, mùi sữa, mùi rượu bia và các mùi hóa mỹ phẩm. Đây cũng chính là lý do tại sao một số người lại dễ bị muối đốt hơn những người khác.
Tìm hiểu một số điều về thói quen sinh sống và kiếm ăn của muỗi, chúng ta có thể tránh được nguy cơ bị muỗi đốt. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chưa hiểu hết hay đôi khi coi thường sự nguy hiểm mà muỗi gây ra.
Vậy thì muỗi đã đem lại những “tai họa” gì cho cuộc sống của chúng ta.
Hãy cùng đọc tiếp để khám phá nhé!
Tác hại của Muỗi tới Sức khỏe và Đời sống con người
Dù muỗi chỉ là loài côn trùng rất nhỏ nhưng chúng lại là một trong những loài vật gây chết người nhiều nhất trên thế giới. Theo WHO, vết muỗi cắn đã gây ra cái chết của hơn 1 triệu người mỗi năm, phần lớn đều là do bệnh dịch sốt rét do muỗi lây truyền từ người này sang người khác.
Bệnh sốt rét
Sốt rét là một trong những chứng bệnh nguy hiểm lây truyền từ người này sang người khác khi họ bị muỗi Anophel đốt.
Những biểu hiện ban đầu của chứng bệnh sốt rét khá giống với cảm cúm như: đau đầu, sốt, run, buồn nôn nên nhiều người thường chủ quan không đi khám. Triệu chứng điển hình của bệnh này là kịch phát: những cơn lạnh đột ngột, run rẩy, sốt và đổ mồ hôi tái phát liên tục. Bệnh sốt rét có thể lây truyền qua đường máu hoặc từ mẹ sang thai nhi.
Tỷ lệ tử vong do bệnh sốt rét rất cao, mặc dù trong nhiều năm gần đây nó đã giảm dần nhờ một số biện pháp phòng tránh và chữa bệnh hiện đại tiên tiến hơn.
Bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết cũng là chứng bệnh lây truyền do muỗi vằn đốt.
Triệu chứng của bệnh này đau đầu, đau mình, sốt cao kéo dài nhiều ngày và nguy hiểm nhất chính là hiện tượng xuất huyết ngoài da hoặc xuất huyết tiêu hóa. Nếu không chữa trị kịp thời hay chữa trị sai cách có thể gây tử vong cho người bệnh.
Tỷ lệ ca mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây và tập trung ở những người bệnh trên 15 tuổi. Điều này là một mối lo ngại bởi người lớn bị sốt xuất huyết dễ tử vong hơn trẻ em.
Bệnh viêm não Nhật Bản
Một chứng bệnh vô cùng nguy hiểm từ muỗi khiến nhiều người e sợ là bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Muỗi Culex hút máu động vật là lợn và chim, những ổ chứa virus viêm não Nhật Bản, rồi truyền sang con người gây bệnh này.
Bệnh viêm não Nhật Bản thường được phát hiện ở trẻ em dưới 15 tuổi. Những biểu hiện trong vài ngày đầu là: sốt cao, co giật, cứng gáy, rối loạn vận động nhãn cầu và hôn mê. Đến giai đoạn toàn phát bệnh, nhiều triệu chứng nguy hiểm hơn xuất hiện và có thể gây tử vong. Dù cho người bệnh có thể qua khỏi thì có rất nhiều di chứng như bại liệt, rối loạn tâm thần, động kinh để lại cho họ.
Tỷ lệ tử vong do bệnh viêm não Nhật Bản rất lớn và ngay cả tỷ lệ bệnh nhân bị di chứng thần kinh cũng lên tới 50%.
Ngoài 3 chứng bệnh phổ biến trên, muỗi còn gây ra rất nhiều bệnh nguy hiểm khác cho con người. Vậy thì, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh do muỗi gây ra, chúng ta cần phải áp dụng các cách phòng tránh như thế nào?
Cách phòng chống muỗi đốt (chích)
Chẳng thể nào diệt được loài muỗi hoàn toàn mà chúng ta chỉ có cách tìm những biện pháp kiểm soát muỗi. Áp dụng những cách sau đây để bạn và những người thân xung quanh có thể yên tâm trong môi trường “vắng bóng” loài muỗi nhé!
Luôn giữ nhà cửa khô thoáng, sạch sẽ
Môi trường tối, ẩm ướt và nóng là nơi sinh sôi phát triển mạnh của loài muỗi. Vậy để tránh bị muỗi đốt, bạn hãy luôn giữ nhà cửa được sạch sẽ, khô thoáng và nhiều ánh sáng. Bên cạnh đó, tránh để những chỗ có đọng nước, bể chứa nước trong nhà bởi đây có thể là nơi muỗi muốn “trú ngụ” đấy!
Sử dụng cửa lưới chống muỗi
Một cách hạn chế muỗi từ ngoài vào trong nhà khá hiệu quả chính là lắp đặt cửa lưới chống muỗi. Bạn sẽ không phải quá lo lắng rằng những loại muỗi bệnh sẽ “xâm nhập” và “ẩn náu” trong ngôi nhà của mình.
Chống muỗi theo cách dân gian
Thay vì dùng những hóa chất như bình xịt côn trùng đề diệt muỗi, các bạn có thể sử dụng ngay những nguyên liệu tự nhiên như: tinh dầu sả, tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu quế, trồng các loại cây có mùi hương đuổi muỗi như cây cúc vạn thọ, cây hoa dạ hương…Với những nguyên liệu tự nhiên này, bạn sẽ vừa có thể an tâm về độ an toàn, vừa giúp căn nhà thơm mát hơn.
Dùng màn khi ngủ
Màn là vật dụng khá rẻ mà lại vô cùng hiệu quả để chống muỗi ban đêm cho gia đình bạn. Bạn sẽ không phải quá lo lắng việc bị muỗi đốt để giấc ngủ ngon hơn và đảm bảo sức khỏe hơn.
Ngoài ra còn có rất nhiều cách khác như dùng đèn bắt muỗi, vợt bắt muỗi, sử dụng thuốc chống muỗi mỗi khi đi ra ngoài, nuôi các loài vật có tác dụng bắt muỗi trong nhà…tùy tình trạng nhiều hay ít muỗi.
Cách trị muỗi đốt
Không ai là không cảm thấy vô cùng khó chịu và phiền toái mỗi khi bị muỗi đốt. Những vết ngứa, mẩn hay thậm chí nặng hơn là sưng tấy gây ra từ vết muỗi cắn khiến chúng ta không thể ngồi yên.
Vậy:
Khi bị muỗi đốt (chích) thì nên làm gì?
Phải bôi gì để hết ngứa rát và mẩn đỏ sau khi bị muỗi đốt (chích)?
Câu trả lời là bạn không nên gãi vết ngứa bởi nó có thể chảy máu và để lại sẹo.
Hãy thử áp dụng một số cách sau nếu bạn không có sẵn thuốc trị côn trùng đốt ngay lúc đó nhé!
- Dùng nha đam giúp làm mát, giảm sưng và trị ngứa cho vết muỗi cắn.
- Dùng mật ong để vết muỗi cắn được kháng khuẩn và giảm sưng.
- Dùng nước chanh tươi có thể làm giảm sưng, ngứa.
- Dùng kem đánh răng giúp vết ngứa được dịu đi.
- Dùng muối bôi lên vết cắn có thể chống viêm và giảm sưng, ngứa.
LỜI KẾT
Trang bị cho mình những kiến thức và cách phòng tránh muỗi hiệu quả sẽ giúp bạn rất nhiều cho những ngày hè nóng nực sắp đến gần. Hãy chia sẻ với những người thân xung quanh để có thể bảo vệ sức khỏe cho họ nhé!