Tại xã Bù Gia Mập, trong năm 2020, xảy ra 56 ca mắc bệnh sốt rét, giảm 68 ca so với năm 2019.
Bốn tháng năm 2021, xã đã phát hiện bảy ca mắc bệnh sốt rét. Trong quý 1-2021, toàn tỉnh có 20 ca mắc sốt rét.
Sáng 24-4, tại xã biên giới Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Y tế tỉnh Bình Phước tổ chức lễ phát động “Loại trừ và ngăn ngừa sốt rét quay trở lại” nhân Ngày thế giới phòng, chống sốt rét 25-4. Đây là một trong những hoạt động giúp người dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa của Bình Phước nâng cao ý thức phòng chống bệnh do muỗi truyền nhiễm.
Tại lễ phát động, người dân được các bác sĩ Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP Hồ Chí Minh chia sẻ nhiều phương pháp phòng, chống muỗi truyền bệnh sốt rét như: diệt muỗi, diệt loăng quăng bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh; thường xuyên mặc quần áo dài khi đi làm rẫy; bôi thuốc xua muỗi lên những nơi da hở; đốt nhang muỗi.
Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyến khích người dân dọn dẹp nhà cửa gọn gàng; làm cửa lưới chống muỗi, mành rèm chống muỗi ở các cửa sổ để giảm tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà. Điều quan trọng, hữu hiệu nhất để phòng chống sốt rét là phải ngủ màn thường xuyên; màn phải được tẩm hóa chất và phun hóa chất diệt muỗi.
Trước biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu, côn trùng gây bệnh xuất hiện nhiều loài, đa dạng như: muỗi sốt rét và muỗi sốt xuất huyết kháng hóa chất tiềm ẩn nguy cơ bùng tỉnh phát dịch bệnh… Trong những năm qua, ngành y tế Bình Phước đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống sốt rét tại cộng đồng; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phun hóa chất loại trừ triệt để lăng quăng, bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt rét; chủ động bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ cho công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là giám sát phát hiện trường hợp sốt rét lâm sàng, quản lý đối tượng trong vùng sốt rét lưu hành và kịp thời lấy mẫu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét.