Tuần qua, nhóm chat của các gia đình tầng 21 ở một khu đô thị trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội liên tục dội tin nhắn về chủ đề: Kiến ba khoang.
Nhà này khoe mới bắt được chục con, đang “bỏ lên chảo rang”, nhà kia tung ảnh “đếm sơ cũng vài chục con bâu ngoài cửa.” Bố con anh Nhật Quang, 28 tuổi, thì khoe hôm nay bắt trong nhà và ngoài hành lang được tới 50 con.
Từ lúc chuyển từ nhà đất lên chung cư hai năm trước, anh Quang mới biết tới loại kiến “có độc tố gấp 15 lần nọc độc rắn hổ mang” này. Nó thường xuất hiện nhiều nhất vào khoảng tháng 7 tới tháng 9 trong năm. Vài tuần trở lại đây mưa nhiều, loài côn trùng này nhiều hơn. “Cứ 7h tối, bác trưởng tầng nhắn vào nhóm yêu cầu các căn, đặc biệt căn ở đầu hồi đóng hết cửa lại để hạn chế kiến vào”, anh Quang cho hay.
Đã vài lần anh và vợ con bị dính nọc độc với các mụn nước rộp tại các vị trí khuỷu tay, chân, cổ hay vai. Thông thường khoảng một tuần sẽ khỏi. “Lần này cả nhà bị đồng thời và nhiều vị trí khác nhau nên ngứa rát, khó chịu, cảm giác người lúc nào cũng bừng bừng”, anh Quang than.
Từ lúc đó, anh “cảnh giác cao độ”. Cửa phòng ngủ luôn luôn phải đóng kín, xông tinh dầu xả. Nhiều hôm trời bí bách, anh cũng buộc phải đóng kín cửa chính, lô-gia và cửa sổ. Dù thế vẫn có vài con xuất hiện, ông bố trẻ dùng một chiếc que bắt kiến thả vào hỗn hợp nước rửa bát. “Nếu vô tình bị đậu lên người, chỉ cần vào rửa ngay với xà phòng thì không lo bị phồng rộp nữa”, anh tiết lộ.
Số lượng kiến ba khoang một tối gần đây anh Quang bắt được trong nhà mình. Ảnh: Minh Quang.
Không may mắn như nhà anh Quang, bé gái 3 tuổi nhà chị Thanh Huệ bên cạnh bị dính độc kiến lan khắp 1/3 đầu và một mảng lớn trên cổ. “Mỗi lần bôi dung dịch Xanh methylen, tôi phải lựa lúc con đang ngủ, chứ khi tỉnh con sợ, vùng vẫy kịch liệt. Không bôi lại sợ con gãi vết thương lan rộng”, chị Huệ nói.
Đây không phải là lần đầu tiên gia đình có người bị dính độc, nhưng thường chỉ là các mụn nước nhỏ nên chị không mấy quan tâm. Lần này con gái bị mảng lớn, phải nghỉ học 2 tuần, người mẹ mới thấy sợ. Chị phải thay sang một bộ ga gối và bọc sofa thành màu sáng để dễ phát hiện kiến.
Đối với Mai Anh, kiến ba khoang chỉ “cắn sương sương nhưng để lại sẹo dày dày”. Cô nhân viên văn phòng ở Thanh Xuân đã bị dính độc kiến khắp một bên cổ vai hồi tháng 7. Vết phồng rộp nặng, giờ để lại mảng da khác màu khiến cô gái tự ti, luôn phải mặc áo cao cổ để che bớt phần nào. “Mình ám ảnh với kiến này từ đó. Chỉ cần nó xuất hiện trong nhà là phải tiêu diệt, sau đó tắm rửa, giặt ga gối ngay”, Mai Anh nói.
Khu vực sinh sống của gia đình chị Hải Ngoan, thuộc một khu đô thị ở Hoài Đức cũng có nhiều loại kiến bay này. Bước vào thang máy, thường xuyên thấy cảnh các bà bế cháu có các vùng da bôi thuốc xanh lét. Văn phòng của chị Ngoan, thuộc một công ty truyền thông, đang có 3/10 người “lâm nạn”. Hai con chị cũng đang bị vài nốt phồng rộp.
Riêng chị Ngoan bị từ tháng trước, sưng híp mắt trái. Suốt 3 ngày chị nhức nhối, nóng mặt, không thể mở mắt ra. Chị xin cơ quan làm từ xa nhưng cuối cùng không thể làm việc máy tính được đành phải xin nghỉ hẳn. Theo chị kiến ba khoang là một “vấn nạn” của dân chung cư. “Nó không gây nguy hiểm nhưng khiến nhiều người khó chịu, cuộc sống bị ảnh hưởng”, chị nói.
Tại quận 9 TP HCM, gia đình anh Vỹ Long cũng như nhiều người sống ở chung cư của anh đã không ít lần trúng độc kiến. Một lần vô tình xem chương trình thế giới động vật, thấy mẹo chữa độc của các động vật biển (như rắn biển, sứa, cá lịch, cá mao tiên…) là “dí nguồn nhiệt khoảng 50 độ C vào vết chích” thì độc tố sẽ biến đổi thành chất khác và không gây đau đớn, viêm nhiễm nữa.
“Khi đó con trai 5 tuổi của tôi reo lên nói với bố mẹ rằng ‘có thể cách này có thể trị được kiến ba khoang’. Bé hay dính độc con kiến này và mỗi lần phải bôi nhiều loại thuốc”, anh Vỹ Long, làm trong ngành xây dựng, nói về sáng kiến của con trai.
Không biết hên hay xui, ngay sau khi biết được “bí kíp” thì anh Long bị một mảng bọng nước vùng cổ do kiến. Bị ngay chỗ da thường xuyên phải co duỗi nên anh cứ liên tục lấy tay sờ lên, càng khó chịu hơn. Nếu như bình thường, anh sẽ lấy thuốc trị côn trùng cắn thoa vào vết thương ngày 2-3 lần, khoảng một tuần sau vết chích sẽ khô da, nhưng vết thâm để lại thì dai dẳng.
Kiến ba khoang gây bệnh không phải do đốt mà do dịch tiết ra, cho nên không cố giết kiến bằng tay. Ảnh: Minh Quang.
Lần này anh áp dụng mẹo “dí nguồn nhiệt lượng khoảng 50 độ C vào vết chích” thì chỉ cần vài tiếng sau là không còn cảm giác khó chịu nữa, vết chích cũng giảm đỏ, giảm sưng. Ngày hôm sau đã thấy nó teo lại, sau đó vài ngày sẽ biến mất không để lại bất kì vết thâm nào. “Phương pháp quá đơn giản, an toàn, không tốn kém, cho hiệu quả thật mỹ mãn”, anh Vỹ Long hào hứng chia sẻ.
Anh Long cũng mở rộng ra áp dụng cho các vết muỗi chích, kiến cắn khác, lập tức lấy nước nóng khoảng 50 độ, chườm 3-5 phút, sau đó không cần làm gì cả, vết chích sẽ tự lành.
Hai tuần qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương ghi nhận lượng bệnh nhân viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang tăng đột biến. Thông thường trước đây mỗi ngày chỉ rải rác vài ca nhưng nửa tháng qua mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 100 bệnh nhân.
Bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo, khi phát hiện có kiến ba khoang, nên đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm để xử lý, tuyệt đối không chà sát, đập kiến để dịch độc tiết ra. Khi lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da, cần lập tức rửa dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng nhằm giảm nhẹ độc tố. Tổn thương nhẹ (chấm đỏ) thì bôi kem đặc trị. Tổn thương nặng hơn, xuất hiện mụn mủ, lan rộng thì cần đến viện chuyên khoa da liễu điều trị.
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng, vì kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Lắp cửa lưới chống muỗi để ngăn kiến bò vào nhà. Trước khi ngủ cần quét lại nhà để sạch nền nhà và mắc màn ngủ tránh côn trùng. Khi môi trường mật độ kiến ba khoang nhiều, phun thuốc diệt kiến tồn lưu trên vách tường trong và ngoài nhà có tác dụng xua, diệt chúng.