Posted on: 25/05/2021 Posted by: admin Comments: 0

Tóm Tắt

Tóm tắt

Tinh dầu sả là một sản phẩm được sử dụng rộng rãi để xua muỗi. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu về liều lượng cần thiết để xua muỗi Aedes ở Việt Nam. Kết quả thử nghiệm bằng hộp thử theo thiết kế của Klun & Debboun cho thấy tinh dầu sả bôi trên da bắt đầu có tác dụng xua muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus ở liều lượng là 0,05µl/cm2. Thời gian chống muỗi đốt của tinh dầu sả là 33 phút. Tuy nhiên, tinh dầu được phối trộn với dầu dừa thì thời gian chống muỗi đốt đã được cải thiện rất nhiều. Tinh dầu sả pha loãng trong dầu dừa có tác dụng bảo vệ trung bình là 209 phút với muỗi Ae. aegypti và 121 phút đối với muỗi Ae. albopictus. Đồng thời tinh dầu sả được xác định là có khả năng diệt muỗi Ae. aegypti và Ae. albopictus với liều lượng là 0,28 µl/cm2 .

Từ khóa: Tinh dầu sả, Aedes aegypti, Aedes albopictus, thời gian xua muỗi.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh sốt xuất huyết Dengue do muỗi Aedes lây truyền, là một trong những bệnh dịch phổ biến và nguy hiểm ở Việt Nam. Biện pháp phòng chống tốt nhất hiện nay là kiểm soát vector bằng các hóa chất diệt côn trùng [1], [2]. Tuy nhiên, đã có những báo cáo về việc các hóa chất này ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống, đồng thời muỗi đã kháng với các loại hóa chất vẫn thường dùng [3]. Xu hướng của thế giới là tìm kiếm các loại tinh dầu tự nhiên có hoạt tính xua, diệt côn trùng, đặc biệt là trong phòng chống muỗi đốt nhằm thay thế các chất hóa học. Nhiều loại tinh dầu thực vật như: sả, đinh hương, khuynh diệp, bạc hà, quế… được báo cáo có tác dụng chống muỗi, an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường [4], [5]. Ở Việt Nam, tinh dầu sả được sử dụng phổ biến để xua muỗi bằng cách thoa trực tiếp lên da và trang phục hoặc sử dụng các máy xông hơi tinh dầu. Tuy nhiên, cần xác định liều dùng và thời gian có tác dụng bảo vệ của tinh dầu sả để có phương thức sử dụng hợp lý. Ngoài ra, chưa có nghiên cứu nào về khả năng diệt muỗi của loại tinh dầu này. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu nhằm xác định hiệu quả xua, diệt muỗi Aedes aegypti Aedes albopictus của tinh dầu sả (Cymbopogon citratus).

1.  ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  1. Đối tượng nghiên cứu

Tinh dầu sả nguyên chất của công ty Tinh dầu Việt Nam (Vietnam Esential Oil., JSC).

Muỗi Aedes aegypti Aedes albopictus thu thập từ ở Hà Nội và được nhân nuôi ở labo Côn trùng – Bộ môn Ký sinh trùng và Côn trùng – Học viện Quân y.

  1. Địa điểm nghiên cứu: Labo Côn trùng, Bộ môn Ký sinh trùng và Côn trùng – Học viện Quân y. Thời gian: Từ tháng 6 năm 2018 đến tháng 11 năm 2019.

1.3.      Phương pháp nghiên cứu

Thử nghiệm có đối chứng nhằm xác định liều xua muỗi của tinh dầu bằng hộp thử liều xua: Hộp được thiết kế theo mẫu K&D Module của tác giả Klun & Debboun và có chỉnh sửa cho phù hợp với người Việt Nam [6]. Hộp được làm từ mika, kích thước 4x5x5 cm, 1 block gồm 2 hộp (thiết kế gốc là block gồm 6 hộp có kích thước quá lớn so với tầm vóc người Việt Nam), mặt trước có lỗ tròn đường kính 1 cm để chuyển muỗi vào, mặt đáy có cửa trượt. Thử nghiệm liều tác dụng được thực hiện theo quy trình tham khảo từ nghiên cứu của Phasomkusolsil và Soonwera năm 2011 [7].

Phương pháp xác định thời gian có tác dụng xua muỗi bằng lồng thử nghiệm xua muỗi: Lồng kích thước 30x30x30 cm, vỏ lồng bằng màn tuyn kích thước 32 – 36 lỗ/cm2. Cửa lồng có tay áo để ngăn không cho muỗi bay ra ngoài. Quy trình thực hiện được tham khảo từ nhiều nghiên cứu khác nhau [7], [8], [9], [10].

Phương pháp xác định tác dụng diệt muỗi bằng bộ thử độ nhạy cảm với hóa chất diệt côn trùng

của WHO: Ống nhựa cứng, trong suốt, hình trụ, chiều dài 125 mm và đường kính 44 mm; hai đầu có ống ren, một đầu lắp vào nắp đậy có lưới nhựa, một đầu lắp vào tấm đế. Ống có chấm màu đỏ dùng làm ống tiếp xúc. Ống có chấm màu xanh làm ống đối chứng và ống nghỉ [11].

  1. Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu được thu thập và xử lý bằng phần mềm Excel và SPSS.

2.  KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

  • Kết quả thăm dò liều tác dụng xua muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus của tinh dầu sả Bảng 1. Đáp ứng của muỗi Ae. aegypti với các liều lượng của tinh dầu sả
Liều lượng tinh dầuSố lần muỗi đậu/đốt (Mean ± SD)Giá trị p
X0 – control1,9 ± 1,0 
X1 – 0,005 µl/cm21,2 ± 0,9p X0, X1 > 0,05
X2 – 0,01 µl/cm20,8 ± 0,6p X0,X2 > 0,05
X3 – 0,02 µl/cm20,7 ± 0,7p X0,X3 > 0,05
X4 – 0,05 µl/cm20p X0,X4 < 0,05
X5 – 0,1 µl/cm20p X0,X5 < 0,05

Nhận xét: Trong các liều lượng tinh dầu sả thử nghiệm thấy rằng ở nồng độ từ X1 đến X3 vẫn thấy hiện tượng muỗi Ae. aegypti đốt trên da người với số đốt trung bình từ 0,7 – 1,2/ phút, so sánh số trung bình đốt ở các nồng độ này với nhóm chứng không thấy có sự khác biệt. Khi thử ở nồng độ cao hơn (X4, X5) thì không thấy muỗi đốt, so sánh với nhóm chứng thấy rằng đặc điểm đốt ở hai nhóm này khác nhau, p < 0,05.

Bảng 2. Đáp ứng của muỗi Ae. albopictus với các liều lượng của tinh dầu sả

Liều lượng tinh dầuSố lần muỗi đậu/đốt (Mean ± SD)Giá trị p
X0 – control (1)2,5 ± 1,1 
X1 – 0,005 µl/cm2 (2)1,7 ±1,0p X0, X1 > 0,05
X2 – 0,01 µl/cm2 (3)1,0 ± 1,1p X0,X2 > 0,05
X3 – 0,02 µl/cm2 (4)1,3 ± 1,5p X0,X3 > 0,05
X4 – 0,05 µl/cm2 (5)0p X0,X4 < 0,05
X5 – 0,1 µl/cm2 (6)0p X0,X5 < 0,05

Nhận xét: Tương tự như muỗi Ae. aegypti, ở các nồng độ thấp X1 – X3 muỗi Ae. albopictus vẫn đốt người với số đốt trung bình từ 1,0 – 1,7 và không có sự khác biệt khi so sánh với nhóm chứng. Ở nồng độ cao X4, X5 muỗi Ae. Albopictus không đốt người và đặc điểm đốt khác nhau có ý nghĩa (p < 0,05) khi so sánh với nhóm chứng.

  1. Kết quả thời gian xua muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus của tinh dầu sả Bảng 3.Thời gian tác dụng xua muỗi Ae. aegypti Ae. Albopictus

của tinh dầu sả pha loãng trong ethanol

  Dung dịch thửThời gian tác dụng xua Mean ± SD (phút)Tỷ lệ % muỗi đậu/đốt
Ae. aegyptiAe. albopictusAe. aegyptiAe. albopictus
Tinh dầu sả/ethanol33 ± 0,033 ± 0,03,62,8
Ethanol334,83,6

Nhận xét: Kết quả cho thấy tinh dầu sả có tác dụng xua muỗi Ae. aegypti với thời gian là 33phút, tỷ lệ đậu/đốt là 3,6%. Đối với muỗi Ae. albopictus tinh dầu sả có thời gian xua là 33 phút, tỷ lệ đậu/đốt 2,8%.

  Dung dịch thửThời gian tác dụng xua Mean ± SD (phút)Tỷ lệ % muỗi đậu/đốt
Ae. aegyptiAe. albopictusAe. aegyptiAe. albopictus
Tinh dầu sả/dầu dừa209 ± 38,1121 ± 19,13,23,2
Dầu dừa333,23,6

Bảng 4.Thời gian tác dụng xua muỗi Ae. aegypti Ae.albopictus của tinh dầu sả pha loãng trong dầu dừa

Nhận xét: Đối với Ae. aegypti thời gian bảo vệ trung bình của tinh dầu sả/dầu dừa là 290 phút, tỷ lệ đậu/đốt là 3,2%. Và 121 phút là thời gian bảo vệ trung bình của tinh dầu sả/dầu dừa đối với muỗi Ae. albopictus, tỷ lệ đậu/đốt là 3,2%.

  1. Tác dụng diệt muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus của tinh dầu sả Bảng 5. Tỷ lệ muỗi Ae. aegypti ngã và chết khi tiếp xúc với tinh dầu sả
  Thời gianTỷ lệ muỗi Ae. aegypti ngã và chết khi tiếp xúc với tinh dầu sả
D0 controlD1 (0,028 µl/cm2)D2 (0,056 µl/cm2)D3 (0,11 µl/cm2)D4 (0,28 µl/cm2)D5 (0,56 µl/cm2)
5 phút0000071,7
10 phút01,78,550,065,076,7
15 phút05,028,581,786,783,4
20 phút046,778,593,498,495
30 phút060,096,598,4100,096,7
40 phút065,0100,0100,0100,0100,0
50 phút066,7100,0100,0100,0100,0
60 phút066,7100,0100,0100,0100,0
Sau 24 giờ015,033,336,7100,0100,0

Nhận xét: Năm phút sau khi cho muỗi Ae. aegypti tiếp xúc với tinh dầu sả thấy nồng độ từ D1- D4 không có muỗi ngã, riêng D5 có 71,1% muỗi ngã. Sau 30 phút tiếp xúc, D1 có 60,0% muỗi ngã, D2

– D5 có trên 95,0% muỗi ngã. Sau 60 phút tiếp xúc D1 có 66,7% muỗi ngã, D2 – D5 100% muỗi ngã hoàn toàn. Các muỗi được chuyển sang ống nghỉ và được cho ăn đường glucose 10%, theo dõi tiếp sau 24 giờ thấy ở các nồng độ thấp thì tỷ lệ muỗi chết càng thấp: D1 (15,0%), D2 (33,3%), D3 (36,7%). Ở D4, D5 toàn bộ muỗi thử nghiệm chết, tức là tinh dầu sả ở nồng độ D4 có tác dụng diệt muỗi Ae. aegypti.

Bảng 6.Tỷ lệ muỗi Ae. albopictus ngã và chết khi tiếp xúc với tinh dầu sả

  Thời gianTỷ lệ muỗi Ae. albopictus ngã và chết khi tiếp xúc với tinh dầu sả
D0 controlD1(0,028 µl/cm2)D2 (0,056 µl/cm2)D3 (0,11 µl/cm2)D4 (0,28 µl/cm2)D5 (0,56 µl/cm2)
5 phút00011,725,0100,0
10 phút0031,735,070,0100,0
15 phút03,450,063,490,0100,0
20 phút06,768,488,4100,0100,0
30 phút028,49098,4100,0100,0
40 phút055,0100,0100,0100,0100,0
50 phút086,7100,0100,0100,0100,0
60 phút098,4100,0100,0100,0100,0
Sau 24 giờ022,027,035,0100,0100,0

Nhận xét: Năm phút sau khi cho muỗi Ae. albopictus tiếp xúc với tinh dầu sả thấy rằng D1, D2 không có muỗi ngã, D3 và D4 muỗi bắt đầu ngã (11,7%, 25,0%) và ở nồng độ cao nhất D5 toàn bộ  muỗi tham gia thử nghiệm đã ngã. Sau 30 phút, tỷ lệ muỗi ngã ở thấp nhất ở D1 (28,4%), từ D2 – D5 trên 90% muỗi ngã. Sau 60 phút gần như tất cả các muỗi tham gia thử nghiệm ở cả 5 nồng độ đều bị ngã. Tiếp tục theo dõi sau 24 giờ thấy tỷ lệ muỗi chết lần lượt là D1 (22,0%), D2 (27,0%), D3 (35,0%) rất thấp do đó hoàn toàn không có tác dụng diệt muỗi. Ở nồng độ D4, D5 muỗi chết 100%, chứng tỏ là tinh dầu sả ở nồng độ D4 có tác dụng diệt muỗi Ae. albopictus.

2. BÀN LUẬN

  • Liều tác dụng xua muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus của tinh dầu sả

Trong nhiều sản phẩm tự nhiên, tinh dầu và các thành phần của chúng đã được ghi nhận là một tiềm năng chống côn trùng. Các loại dầu thực vật được báo cáo là nguồn gốc của các thuốc chống côn trùng gồm sả, phong lữ, oải hương, quế, hương thảo, húng quế, tỏi, bạc hà… [5]. Hầu hết các loại tinh dầu và thành phần chính của nó không độc hại với động vật có vú. Tinh dầu sả đã được cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đánh giá là thành phần chống muỗi hiệu quả, ít độc tính và sự hài lòng của người sử dụng [4], [12]. Thành phần hóa học của tinh dầu sả có liên quuan đến vùng địa lý và các loài sả khác nhau [13], [14]. Đồng thời các tập tính, khả năng kháng thuốc của Ae. aegypti Ae. albopictus cũng khác nhau ở từng vùng, từng thời điểm. Nghiên cứu này như là bước đầu đánh giá hiệu quả của tinh dầu sả (Cymbopogon citratus) nguồn gốc bản địa với muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi không có sự khác biệt về liều tác dụng giữa hai loài Ae. aegypti Ae. albopictus. Tinh dầu sả có tác dụng xua muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus ở nồng độ X4 (0,05µl/cm2). Liều lượng này được sử dụng trong thử nghiệm thời gian xua muỗi.

Tinh dầu sả khi pha loãng trong dung môi ethanol chỉ có tác dụng xua trong thời gian tối đa 33 phút đối với cả Ae. aegypti Ae. albopictus. Tác dụng bảo vệ này là quá ngắn do bản chất tinh dầu thực vật bay hơi rất nhanh. Khi pha loãng trong ethanol thì ethanol cũng là một chất bay hơi nhanh và không có tác dụng kìm hãm sự bay hơi của tinh dầu. Điều này phù hợp với nghiên cứu của Trongtokit và cs (2005) so sánh tác dụng xua muỗi của 38 loại tinh dầu ở Thái Lan cho biết tinh dầu sả (Cymbopogon citratus) pha loãng 50% trong ethanol có tác dụng xua Ae. aegypti trong 30 phút [5]. Ở Việt Nam nghiên cứu của Huỳnh Kha Thảo Hiền và sc (2013) cũng cho thấy tinh dầu sả có khả năng xua muỗi. Thời gian xua muỗi Ae. aegypti của tinh dầu sả/ ethanol (25%) tối đa là 90 phút. So với nghiên cứu hiện tại thì thời gian bảo vệ cao gấp 3 lần nhưng là do nồng độ tinh dầu sả được sử dụng cao gấp10 lần so với nghiên cứu của chúng tôi. Do đó sẽ không hợp lý khi sử dụng tinh dầu sả/ethanol làm sản phẩm xua muỗi vì sẽ tiêu tốn nhiều kinh phí, không phù hợp với cộng đồng. Vì vậy cần tìm một loại dung môi khác thay thế ethanol để làm giảm thời gian bay hơi của tinh dầu sả và tăng thời gian xua muỗi.

  • Thời gian tác dụng xua muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus của tinh dầu sả

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng khi kết hợp tinh dầu thực vật với chất bazo hoặc vanillin, mù tạt… sẽ làm tăng thời gian xua muỗi của tinh dầu. Tinh dầu sả kết hợp với dầu dừa đã làm tăng đáng kể thời gian xua muỗi. Đối với Ae. aegypti tinh dầu sả/dầu dừa có tác dụng bảo vệ lên tới 209 phút kéo dài gấp 7 lần so với sả/ethanol. Với Ae. albopictus sả/dầu dừa thời gian bảo vệ 121 phút dài hơn so với sả/ethanol. Nghiên cứu của Sritabutra và Soonwera (2013) ở Thái Lan cũng cho thấy thời gian chống lại Ae. aegypti khi tinh dầu sả kết hợp với dầu dừa ở nồng độ 10% là 87 phút, phần trăm đốt là 1% và tinh dầu sả kết hợp với dầu oliu thời gian bảo vệ thấp hơn là 59 phút, 1,03% đốt [9]. Cùng tác tác giả này nghiên cứu năm 2011 cho thấy tinh dầu sả 10% chống Ae. aegypti trong 98 phút với tỷ lệ phần trăm đốt là 0,9% khi kết hợp chung với dầu đậu nành và tinh dầu sả Cymbopogon citratus kết hợp với loại sả khác cho thời gian bảo vệ là 60 phút chống lại Ae. aegypti, tỷ lệ đốt là 0.9%. Tinh dầu sả kết hợp với dầu đậu nành ở một liều lượng khác thì thời gian bảo vệ cũng khác đi, với liều lượng là 0,21µg/cm2 thời gian xua Ae. aegypti là 72 phút, tỷ lệ đốt là 2,64% [8].

  • Tác dụng diệt muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus của tinh dầu sả

Tinh dầu sả đã được rất nhiều nghiên cứu chứng minh là có tác dụng xua muỗi và bảo vệ con người khỏi muỗi đốt tuy nhiên có rất ít nghiên cứu xác định loại tinh dầu này có tác dụng diệt muỗi. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp thử độ nhạy cảm của WHO để thăm dò liều lượng cũng như tác dụng diệt muỗi của tinh dầu sả. Kết quả ở bảng 3.12 và 3.13 thấy rằng khi muỗi vừa tiếp xúc với tinh dầu sả 5 phút thì hầu như muỗi chưa có đáp ứng với tinh dầu ở các nồng độ thấp, tuy nhiên ở nồng độ cao như D5 muỗi đã bị ngã với tỷ lệ rất cao 71,1% ở muỗi Ae. aegypti , 100% muỗi Ae. albopictus ngã. Tiếp tục theo dõi sau 30 phút và 60 phút thì thấy cả hai loài muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus đã dần đáp ứng và tỷ lệ muỗi ngã đã tăng lên ở từng nồng độ. Sau 60 phút tiếp xúc hầu hết muỗi đều bị ngã hoàn toàn ở các nồng độ từ D2 – D5. Như vậy nồng độ càng cao muỗi càng bị ảnh hưởng nhanh và mạnh.

Tiếp tục theo dõi sau 24 giờ tiếp xúc, thấy rằng ở các nồng độ từ D1 – D3 hầu hết các muỗi ngã đã tỉnh lại, D1 có 15% muỗi Ae. aegypti chết thật, Ae. albopictus có 22% muỗi chết thật; D2, D3 100% muỗi ngã sau 60 phút ở cả 2 loài mà chỉ có 33,3%, 36,75% muỗi Ae. aegypti và 27%, 35% muỗi Ae. albopictus chết sau 24 giờ. D4, D5 100% muỗi thử nghiệm đã bị ngã sau 60 phút tiếp xúc và số muỗi này đã không hồi phục sau 24 giờ đối với cả hai loài. Theo hướng dẫn của WHO là dùng tỷ lệ muỗi chết sau 24 giờ để xác định mức độ nhạy cảm của muỗi, ở các nồng độ từ D1 – D3 tỷ lệ muỗi chết dưới 50% ở cả 2 loài có nghĩa là Ae. aegypti Ae. albopictus kháng rất cao với tinh dầu sả hay nói cách khác là tinh dầu sả ở các nồng độ D1, D2, D3 không có tác dụng diệt muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus. Còn ở nồng độ D4 và D5 tỷ lệ muỗi chết là 100%, là rất nhạy cảm với tinh dầu sả ở cả 2 loài. Vậy D4 là nồng độ thấp nhất có khả năng diệt muỗi, liều diệt này cao gấp 5,6 lần so với liều xua. Điều này mở ra hướng mới cho công tác kiểm soát vector phòng chống các bệnh do muỗi truyền. Sử dụng tinh dầu thực vật diệt muỗi mà không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

3. KẾT LUẬN

Tinh dầu sả bắt đầu có tác dụng xua muỗi ở liều lượng là 0,05µl/cm2. Thời gian chống muỗi đốt của tinh dầu sả khi pha trong dung môi ethanol là 33 phút đối với cả hai loài muỗi Ae. aegypti Ae. albopictus. Tuy nhiên, khi thay thế bằng một dung môi khác thì thời gian chống muỗi đốt đã được cải thiện rất nhiều. Tinh dầu sả pha loãng trong dầu dừa có tác dụng bảo vệ trung bình là 209 phút với muỗi Ae. aegypti và 121 phút đối với muỗi Ae. albopictus. Ngoài tác dụng xua muỗi, tinh dầu sả (Cymbopogon citratus) có tác dụng xua và diệt muỗi trưởng thành Ae. aegypti Ae. albopictus, khả năng diệt muỗi với liều lượng là 0,28 µl/cm2 .

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. WHO.         Dengue         and         severe         dengue.         2017;         Available         from: http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs117/en/.
  2. Bhatt, S., et al., The global distribution and burden of dengue. Nature, 2013. 496(7446): p. 504-507.
  3. Ranson, H., et al., Insecticide resistance in dengue vectors. TropIKA.net, 2010. 1: p. 0-0.
  4. Gnankiné, O. and I. Bassolé, Essential Oils as an Alternative to Pyrethroids’ Resistance against Anopheles Species Complex Giles (Diptera: Culicidae). Molecules, 2017. 22(10): p. 1321.
  5. Trongtokit, Y., et al., Comparative repellency of 38 essential oils against mosquito bites.

Phytother Res, 2005. 19(4): p. 303-9.

  • Klun, J.A., M. Kramer, and M. Debboun, A new in vitro bioassay system for discovery of novel human-use mosquito repellents. Journal of the American Mosquito Control Association, 2005. 21(1): p. 64-70.
  • Phasomkusolsil, S. and M. Soonwera, Comparative mosquito repellency of essential oils against Aedes aegypti (Linn), Anopheles dirus (Peyton and Harrison) and Culex quinquefasciatus (Say). Asian Pacific Journal of Tropical Biomedicine, 2011. 1(1, Supplement): p. S113-S118.
  • Sritabutra, D., et al., Evaluation of herbal essential oil as repellents against Aedes aegypti (L.) and Anopheles dirus Peyton & Harrion. Asian Pacific Journal of Tropical Biomedicine, 2011. 1(1, Supplement): p. S124-S128.
  • Sritabutra, D. and M. Soonwera, Repellent activity of herbal essential oils against Aedes aegypti (Linn.) and Culex quinquefasciatus (Say.). Asian Pacific Journal of Tropical Disease, 2013. 3(4): p. 271-276.
  • Choochote, W., et al., Repellent activity of selected essential oils against Aedes aegypti.

Fitoterapia, 2007. 78(5): p. 359-364.

  1. V.S.r.-K.s.t.-C.t.T.U, Quy trình xét nghiệm chuẩn sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng. 2015, Nhà xuất bản Y học. 167-172.
  2. Nerio, L.S., J. Olivero-Verbel, and E. Stashenko, 2010Repellent activity of essential oils: A review. Bioresource Technology,. 101(1): p. 372-378.
  1. NEGRELLE, R.R.B.G., E.C.2, 2007.Cymbopogon citratus (DC.) Stapf : chemical composition and biological activities. Rev. Bras. Pl. Med., Botucatu,, 9(1): p. 80-92.
  2. Shah, G., et al., (2011) Scientific basis for the therapeutic use of Cymbopogon citratus, stapf (Lemon grass). Journal of Advanced Pharmaceutical Technology & Research,. 2(1): p. 3-8.
Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]