Chuyển về nhà mới ở tận tầng 10, chung cư Đặng Xá, Gia Lâm, được gần 2 tuần, anh Huy (38 tuổi) đã bị kiến ba khoang đốt 2 lần. Lần đầu, anh thấy ngứa, sưng, rộp ở bắp chân. Anh nghĩ là bị zola nên tự mua thuốc về bôi, mãi không khỏi. Sau đó, để ý kỹ anh phát hiện trong nhà có rất nhiều con kiến khá to, chia nhiều khoang đỏ, đen, đầu hơi dài.
“Mọi người ở chung cư nói đó là kiến ba khoang, chúng bay vào nhà nhiều nhất vào buổi tối, bò khắp tường. Nay tối tôi phải đóng kín tất cả các cửa, điện cũng không bật nhiều để tránh thu hút chúng vào. Hôm trước tôi lại bị đốt lần nữa, cả một vùng rộng ở cổ sưng đỏ lên, rát, ngứa rất khó chịu”, anh Huy nói.
Gia đình anh Hải, ở tầng 12, khu nhà bên cạnh cũng bị kiến ba khoang tấn công. Anh và hai con dưới 5 tuổi đều bị kiến cắn, trong đó anh nặng nhất, chỗ đốt bị phồng rộp, đỏ. Bác sĩ bảo anh bị dị ứng phấn côn trùng.Nhà có con nhỏ mới được 3 tháng tuổi, sợ cháu cũng bị đốt nên vợ chồng anh gửi tạm cháu ở nhà ngoài. Theo anh có thể kiến ba khoang bay từ ngoài cánh đồng ở gần nhà bay vào.
Kiểm tra trong nhà, anh phát hiện có rất nhiều côn trùng giống như kiến, có cánh, đầu đen, thân, đuôi đều có khoang đen. Hôm nào đóng kín cửa bật điện thì ít, nhưng chỗ phơi quần áo ngoài lan can thì chi chít kiến.
“Vài ngày nay ít kiến, chứ mấy hôm trước có gió thì chúng rất nhiều. Ngoài hành lang, những chỗ có bóng đèn là chúng bâu vào kín giống như con thiêu thân. Tôi xịt mất 3 lọ thuốc côn trùng rồi mà vẫn không ăn thua, dội nước chúng cũng không chết”, anh Hải cho biết.
Nhìn mẫu côn trùng được bắt từ khu vực này, Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết, đây là con kiến ba khoang, thuộc bọ cánh cứng, đầu đen, ngực có màu vàng cam hoặc đỏ, cánh cụt. Đây cũng là loài côn trùng đang tấn công người dân ở TP HCM và Huế.
Không riêng gì khu vực Gia Lâm, chị Lan, sống tầng 8 một khu chung cư tại Mễ Trì, cũng bị kiến ba khoang đốt nổi bọng nước, đau rát. “Chả hiểu sao mình sống trên cao như thế mà nó vẫn bay lên được. Không biết có cách gì diệt được nó không, chứ mỗi lần đốt thế này một tuần mới khỏi”, chị Lan cho biết.
Lý giải vì sao gần đây nhiều người dân bị đốt, ngứa viêm loét da, tiến sĩ Khoa cho rằng, thực chất nhiều loại côn trùng đang phát triển một cách bất thường, không chỉ là kiến ba khoang. Nguyên nhân có thể vì kiến ba khoang ăn rầy nâu, khi nguồn thức ăn này phong phú (người dân phun hóa chất bừa bãi, nên rầy nâu kháng thuốc rất nhiều), vì thế số lượng kiến ba khoang cũng nhiều lên.”Nói kiến ba khoang đốt là không hoàn toàn chính xác. Thực chất có một số vi khuẩn cộng sinh sống trên kiến tiết ra chất gây kích ứng da khi tiếp xúc với da cơ thể lạ, như một phản ứng bảo vệ. Đây không phải là loại mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu. Chúng thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, ven bờ suối nước ngọt hoặc dưới lá cây ở các bìa rừng. Những người dân bị đốt thường sống ở khu vực ngoại thành, gần cánh đồng”, tiến sĩ Khoa nói.
Đặc điểm của côn trùng là thích ánh sáng xanh nên kiến ba khoang thường tập trung vào khu vực có ánh đèn. Kiến ba khoang rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường không có tác dụng. Nhiều người bị kích ứng da do kiến khoang, nhẹ thì ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, đặc biệt nếu dính vào mắt có thể gây bỏng mắt, mù tạm thời.
Vì thế, theo tiến sĩ Khoa, để phòng tránh gia đình nên dùng cửa lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà có thể đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương… Vào mùa côn trùng phát triển (tháng 3, 4, 5 và 8, 9, 10) trong nhà nên tắt bớt đèn, trước khi đi ngủ nên quét dọn nhà cửa, rũ giường. Cho trẻ đi chơi thì nên tránh chỗ đèn sáng, nếu thấy kiến ba khoang đậu trên người thì thổi nhẹ cho nó bay đi chứ không chà xát mạnh. Ngoài ra, ở các khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý, chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng.