Một số loại côn trùng dù rất nhỏ nhưng chỉ với một vết cắn, châm hoặc đốt lại có thể gây hại cho sức khỏe. Nhiều khi vì lạm dụng mẹo xử lý khi côn trùng đốt lại khiến cho tình trạng nặng nề hơn.
Không nên lạm dụng mẹo xử trí côn trùng đốt
Bé nhà chị Nguyễn Thị Hiền (ở Chương Mỹ, Hà Nội) không may bị côn trùng đốt. Ban đầu bé chỉ bị nốt rất nhỏ bằng đầu bút bi, hơi mọng nước. Nghe mẹ chồng chị bảo dùng chanh xát trực tiếp vào vết đốt sẽ mất đi và không còn cảm giác ngứa rát nữa. Chị làm theo nhưng hết một ngày vết đốt trên người bé không những không bớt ngứa mà còn sưng tấy hơn. Không chịu được ngứa, bé lại gãi càng làm lan rộng vết thương. Thấy vậy bà lại bôi thuốc mỡ vào vết thương cho bé nhưng vết gãi nhanh chóng sưng to, có ổ mủ, người gây gây sốt. Vào viện kiểm tra, bác sĩ bảo cháu bị nhiễm trùng nặng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý (Đại học Y Hà Nội), ở môi trường tự nhiên có rất nhiều côn trùng có thể đốt trẻ nhỏ. Côn trùng có nhiều loại, loại gây độc và không gây độc. Hầu hết các trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ bị đốt như ngứa, đau, sưng nề đỏ và trong một vài giờ những biểu hiện này thường mất đi không để lại di chứng. Một số rất ít người bị cắn nặng, sẽ gây phản ứng lan tỏa với một quầng đỏ lan rộng, ngứa nhiều và đau nhức, cần rửa sạch vùng bị cắn, đốt, chườm lạnh…
Tổn thương sẽ có nhiều dạng khác nhau và phải được thăm khám kỹ lưỡng. Việc lạm dụng mẹo dân gian, nhất là khi không nắm rõ tình trạng bệnh dễ khiến tình trạng nặng hơn. Không nên bôi thuốc theo lời mách của người khác, không tự ý dùng thuốc khi chưa được bác sĩ thăm khám. Ví dụ, một nốt phỏng nước hoặc vết loét mà được bôi thuốc mỡ sẽ dễ lan rộng vết loét. Trong trường hợp vết côn trùng đốt gây ổ mủ, gây sốt, cần được điều trị kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Với những phản ứng nhẹ khi côn trùng đốt sẽ không đáng ngại. Còn nếu nó gây hậu quả như sốt cao, sưng phù, tái đi tái lại, trẻ gãi liên tục gây mủ… thì bắt buộc phải đưa trẻ đến cơ sở y tế. Chẳng hạn, biện pháp dân gian như bôi dầu khuynh diệp, bôi vôi… chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định và thường bôi dầu khuynh diệp, dầu đậu nành… để tránh bị côn trùng đốt chứ không phải khi nó đốt rồi mới bôi lên.
Theo TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền (Bệnh viện Da liễu Trung ương), hiện có nhiều cách xử lý khi bị côn trùng đốt như: Rửa nốt bị côn trùng đốt bằng nước muối sinh lý có tác dụng giảm viêm rất tốt, hoặc rửa bằng xà phòng vì xà phòng có tính kiềm giúp trung hòa acid trong nọc độc của muỗi. Nhiều người còn dùng nước vôi, chanh hoặc giấm để rửa… Đa phần trường hợp bị côn trùng đốt thường tự xử lý tại nhà và có hiệu quả bằng những phương pháp kể trên. Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây kích ứng, viêm tấy cho làn da nhạy cảm của trẻ.
Với những vết đốt gây các biểu hiện như viêm, nhiễm trùng thì bệnh nhân cần sự hỗ trợ của bác sĩ với các kem bôi có phối hợp kháng sinh, corticoid để làm giảm viêm và các thuốc bôi đặc trị giúp giảm triệu chứng nhanh.
Nọc của côn trùng có thể gây nhiều triệu chứng như sốt, lạnh, nôn, ngứa, vàng da, co cứng cơ hay cứng cả vùng nhiễm khuẩn. Nguy hiểm hơn, nọc các loại chân đốt như rết, nhện, bọ cạp… có thể chứa chất độc thần kinh hoặc men gây sưng phồng, mất kết tập tiểu cầu gây rối loạn đông máu… có thể đe dọa tính mạng khi không được xử lý kịp thời hoặc đúng cách.
Xử lý khi bị côn trùng đốt
Khi bị côn trùng cắn hoặc đốt, mẹ cần sơ cứu bằng cách nhẹ nhàng lấy ngòi độc ra (nếu có) và rửa vết ngứa bằng nước sạch để giảm nồng độ độc tố, giảm nồng độ chất tiết của côn trùng. Đây là bước quan trọng nhất, bởi khi côn trùng đốt người nó thường để lại chất thải trên da. Nếu không rửa sạch lại bôi thuốc ngay, chất thải này thường có ấu trùng nó sẽ di chuyển, bò đến vết đốt, chui qua đó vào máu và gây sốt. Người lớn có thể chườm đá cho trẻ để giảm đau và sưng đỏ.
Đồng thời, tránh để trẻ gãi làm độc tố phát tán rộng hơn. Nếu cào gãi mạnh, vết cắn sẽ nặng hơn vì nhiễm trùng do tay bẩn, da trầy xước, để lại sẹo. Sau đó, cha mẹ nên thoa thuốc tại chỗ cho bé với thành phần kháng viêm và giảm ngứa.
Để nhanh lành vết thương khi bị côn trùng đốt, cắn, mọi người cần chú ý đến chế độ ăn uống. ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, khi bị côn trùng đốt, kiến ba khoang đốt, hoặc ong đốt, có nghĩa là nọc độc của các côn trùng này xâm nhập vào cơ thể. Để thải bớt các độc tố cần uống nhiều nước. Việc ăn uống cũng sẽ góp phần tăng sức đề kháng, nhanh lành vết thương.
Mọi người cần có một chế độ ăn giàu protein, đủ chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa…) để giúp cơ thể sản xuất ra các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh như ngứa ngáy, dị ứng. Đồng thời, bổ sung cho cơ thể một số loại vitamin (vitamin A, E…) và khoáng chất tốt như là kẽm, selen. Khi chúng ta bị dị ứng, chúng ta nên ăn những thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C… có thể giúp các vết thương lành rất nhanh. Vitamin C có nhiều trong các loại quả có múi như cam, chanh, quýt….
Ngoài ra, kẽm rất quan trọng, luôn có mặt trong các loại mỹ phẩm bôi chống ngứa. Các loại như gà, thịt bò… rất nhiều kẽm, còn vitamin A có nhiều trong động vật như gan, trứng… hoặc từ rau xanh, củ quả màu đỏ, vàng.